Review bình hồi phục bóng tennis Pressurebox

Hôm nay mình sẽ review bình hồi phục áp suất bóng tennis, Pressurebox, sản phẩm đến từ Thụy Điển sau 01 tháng sử dụng với góc nhìn là người chơi tennis phong trào 05 năm, và chuyên đánh đơn.

Cấu tạo & áp suất bóng tennis

Ruột cao su rỗng và phần vải nỉ bên ngoài là 2 thành phần chính bóng tennis. Phần ruột cao su được ghép từ 2 nửa quả cầu, sau đó được bơm áp suất để tạo độ nảy. Phần vải nỉ xanh bọc bên ngoài có tác dụng làm tăng độ ma sát, tạo xoáy khi tiếp xúc vợt.

ITF (liên đoàn quần vợt thế giới) quy định áp suất bóng tennis là khoảng 14 psi (~1 bar) so với áp suất khí quyển tại mực nước biển bằng 0m. Sẽ có những tài liệu nói rằng áp suất bên trong quả bóng là 28 psi (~ 2 bar), điều này cũng đúng khi so với áp suất tại môi trường chân không. Tuy nhiên, theo thông lệ tại Việt Nam nói chung, áp suất được hiểu là so sánh với áp suất khí quyển.

Tại sao bóng tennis mất độ nảy?

Hãy so sánh bóng tennis như một lốp xe. Sau một thời gian dài dù để 1 chỗ, lốp xe vẫn sẽ mất áp suất. Càng đi nhiều, lốp xe càng mất áp suất nhanh hơn. Điều này được giải thích theo nguyên tắc vật lý: áp suất chênh lệch giữa bên trong và bên ngoài. Không khí trong lốp xe sẽ bị khuếch tán qua lớp vỏ cao su cho tới khi áp suất bên trong bằng với áp suất bên ngoài thì quá trình khuếch tán sẽ dừng lại.

Bóng tennis mất áp suất dần theo thời gian và tốc độ mất áp diễn ra tỉ lệ thuận với tần suất chơi. Theo một nghiên cứu, 1-2 tiếng chơi liên tục đầu tiên từ khi mở hộp, áp suất bóng tennis đã mất đi khoảng 15%. Vì thế, hệ thống giải đấu ATP đều yêu cầu thay bóng mới liên tục suốt 1 trận thi đấu chuyên nghiệp.

Để giải quyết vấn đề mất áp, bóng được sản xuất và đóng gói trong một ống nhựa có áp suất bằng với áp suất bên trong quả bóng tennis (14 psi). Việc này giúp bóng giữ được áp suất để di chuyển tới khắp mọi nơi trên thế giới.

Giải pháp kéo dài tuổi thọ bóng tennis

Có nhiều sản phẩm trên thị trường và mình đã dùng qua 02 sản phẩm có chức năng tương tự. Hôm nay mình trên tay sản phẩm Pressurebox đến từ Thụy Điển. Sản phẩm này khác biệt ở chỗ là dùng pin thay vì đa số sản phẩm dùng bằng cơ. Sản phẩm này mình mua tại Việt Nam

Thông số kỹ thuật

pressurebox
  • Vận hành tự động bằng Pin bằng một nút nhấn.
  • Tích hợp máy nén mạnh mẽ, hoạt động yên tĩnh, độ ồn < 30db
  • Cảm biến áp suất.
  • Pin Li-on, 3200 mah, thời gian sử dụng 02-04 tuần.
  • Nắp tích hợp van xả áp.
  • 2 phiên bản: Tennis (4 bóng) và Padel (3 bóng).
  • Giá: 2,500,000 VNĐ

Thiết kế

Sản phẩm hình trụ đường kính (d) 7cm x (h) 40cm, cân nặng khoảng 1 kg, màu đen. Nếu đặt cạnh ống bóng nhựa thì sản phẩm Pressurebox cao hơn tầm 10cm. Sản phẩm gồm nắp và thân.

Nắp: Liên kết với thân bằng chân ren. Nắp có tích hợp một van xả áp.

Thân: Bọc bên ngoài là 1 lớp cao su non, tăng độ bảo vệ. Mặt dưới sản phẩm có 1 nút On/ Off, nút nhấn báo dung lượng pin.

Cơ chế hoạt động

Cơ chế vận hành bằng lập trình và hoàn toàn tự động. Cụm thiết bị gồm máy nén, pin Li-on, cảm biến áp suất và được điều khiển bằng một mạch điện tử PCB.

Khi công tắc bật On, máy nén sẽ được kích hoạt. Máy chạy khoảng 15-20s và tự động tắt khi đủ áp.

Trong quá trình bảo quản, nếu áp giảm vì lý do nào đó (siết không chặt, hở van), cảm biến áp sẽ phát hiện sụt áp và kích hoạt máy nén cho tới khi đạt đủ áp suất ~ 14 psi.

Để mở nắp, đưa công tắc về Off, nhấn nút xả áp trước khi mua

Cảm nhận sau 01 tháng sử dụng

Khuyết điểm

  1. Điểm trừ đầu tiên đó là lớp cao su bọc bên ngoài, nhìn cứng cáp, đẹp tuy nhiên vì là chất liệu cao su nên bám bụi. Balo mình bẩn nên mỗi lần lôi ra/vào là bám bụi mịn trên bề mặt.
  2. Vì tích hợp máy nén, cảm biến và pin nên làm kích thước dài hơn 30cm và nặng khoảng 1kg.
  3. Pin Li-on không được gửi trong hành lý ký gửi, nên có dịp đi máy bay, mình phải đưa vào hành lý xách tay. Cái này cần lưu ý để tránh việc bị an ninh hàng không gọi lại.

Ưu điểm

  1. Tự động: Đây là điểm ăn tiền của sản phẩm này. Trước đây mình có sản phẩm tương tự của HEAD, nhưng vận hành bằng tay qua một cái bơm ngoài, khá rườm rà và low-tech. Sản phẩm này chỉ cần 1 nút nhấn là xong.
  2. Kín hơi: Mình lo lắng về độ kín hơi của sản phẩm, nhưng phải nói là sản phẩm rất ổn định. Theo khuyến cáo nhà sản xuất nói rằng, quá trình mất áp có thể diễn ra. Nhưng trong suốt quá trình dùng, mình ko thấy việc mất hơi xảy ra mặc dù không cần siết quá chặt.
  3. Ngầu: Cái cảm nhận đầu tiên là sản phẩm quá ngầu với màu đen tuyền. Quá hợp với cây Prostaff mình đang dùng.
  4. Pin trâu: Thực tế mình dùng là tầm 03-04 tuần mới phải sạc. Còn mà đánh liên tục thì 02 tuần (tần suất 04 trận/ tuần).
  5. Bóng nảy như mới: Cái cảm giác lúc nào ấn nút xả áp, âm thanh “Pssiiii” thật đã. Y hệt như lúc mở hộp bóng mới vậy, bóng lúc nào nảy cũng như mới.
  6. Tiết kiệm chi phí: Tuổi thọ của quả bóng không chỉ phụ thuộc vào áp mà còn phụ thuộc vào lớp vải nỉ bên ngoài. Tuy nhiên thực tế là mình đã giảm số tiền mua bóng rất nhiều từ khi có sản phẩm này. Số tiền mua bóng chỉ còn một nửa so với trước đây.
  7. Bảo vệ môi trường: Kéo dài tuổi thọ bóng tennis, việc này trực tiếp chung tay hạn chế rác thải ra môi trường xung quanh.

Kết luận

Mình đánh tennis phong trào được hơn 05 năm, chuyên đánh đơn, và tần suất khoảng 04 buổi/ tuần. Giá sản phẩm 2,500,000 VN theo mình nghĩ là không rẻ cho một bình Pressurebox, nhưng giá trị mang lại với mình là tuyệt vời: giữ độ nảy bóng và tiết kiệm chi phí lâu dài.

Trước khi mua mình đã tìm hiểu kỹ sản phẩm và dùng trước sản phẩm có tính năng tương tự, nên cá nhân mình rất hài lòng. Tuy nhiên lớp vỏ cao su và trọng lượng, hi vọng hãng sẽ có cải tiến trong phiên bản sau.